Liên kết website

Thống kê truy cập

Di tích lịch sử - văn hóa

Di tích đền Chúa Bà, thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang

11/01/2017 00:00 149 lượt xem

Đền Chúa Bà thị trấn Vĩnh Tuy thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh hay còn gọi là đền Bà với tên tự là: "Linh Từ Chúa Bà", đền toạ lạc bờ sông Lô gần điểm giao hòa giữa Sông Lô và Sông Bạc nằm trên địa bàn tổ dân phố Phố Mới, thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang; xung quanh tứ bề đồi núi với thế phong thủy: Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ, Tiền Chu Tước, Hậu Huyền Vũ. Đền Chúa bà đã được UBND tỉnh Hà Giang công nhận xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2011.

Tương truyền: Thánh Mẫu Liễu Hạnh là Tiên Chúa Quỳnh Nương con gái của Ngọc Hoàng Thượng Đế, vì phạm lỗi làm rơi chén ngọc trong một buổi Lễ chầu Thiên Đình nên Ngọc Hoàng phạt xuống trần gian thác sinh vào nhà họ Lê ở thôn Vân Cát Huyện... Liễu Hạnh Công chúa còn được gọi bằng các tên: Bà Chúa Liễu, Liễu Hạnh, Mẫu Liễu, Thánh Mẫu. Theo truyền thuyết trong dân gian Việt Nam, Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh là vị thánh đứng thứ 4 trong bốn vị thánh "bất tử" của Việt Nam (Thánh Tản Viên, Thánh Gióng, Thánh Chử Đồng Tử và Thánh Mẫu Liễu Hạnh). Sẵn có phép màu biến hoá nàng vân du ở khắp mọi vùng đất sơn thuỷ kỳ tú trên đất nước Nam, Liễu Hạnh thường hoá phép trừng phạt kẻ ác, gia ân kẻ hiền. Bà đã được các triều đại phong kiến từ thời nhà Hậu Lê đến thời nhà Nguyễn cấp nhiều sắc, tôn phong là “Mẫu nghi thiên hạ - Mẹ của muôn dân”. Bà còn được cho là người đứng đầu hệ thống Tam phủ, Tứ phủ thờ đạo Mẫu. Nhiều làng xã và các đô thị ở phía Bắc Việt Nam đều có đền thờ Mẫu Liễu rất tôn nghiêm.

Trở về với ký ức huyền thoại trong dân gian, trước khi Đền Chúa Bà thị trấn Vĩnh Tuy được xây dựng, nơi này là một thảo am nhỏ dưới gốc cây đa cổ thụ có tiếng linh thiêng, huyền bí. Phải chăng trong những lần vân du thiên hạ, thấy cảnh đẹp hữu tình và dân tình còn khổ, Bà đã dừng chân ngự lại nơi đây để giúp đã dân lành. Tương truyền rằng, xưa kia do giao thông đường bộ đi lại khó khăn, các thương lái thường giao thương bằng đường thủy. Ngay từ những ngày đầu khai thủy, không ai bảo ai, các thương lái đi ngược về xuôi khi qua đây đều có linh cảm bồn chồn, thôi thúc và muốn dừng chân ở bến nước này nghỉ ngơi, cho dù chỉ vài phút nghỉ ngơi tĩnh tâm thì cuộc hành trình tiếp theo đều xuân sẻ kể cả gặp mưa bão lũ cũng đều bình an và gặp nhiều may mắn, giao thương thuận lợi.

Tiếng lành đồn xa, các thương lái đã truyền tụng sự linh thiêng nên mọi người dân khi đi qua đây đã dừng chân thắp hương vào am nhỏ dưới gốc cây đa, nghỉ ngơi chờ cho qua giờ Ngọ rồi mới tiếp tục hành trình và cứ thế, dần dần trở thành bến đỗ tự nhiên không chỉ là các thương lái mà của mọi người. Ngày đó, có đôi vợ chồng lái buôn người miền xuôi mà nhân dân trong vùng quen gọi là ông Hai Nồi Đất lên buôn bán ở bến sông này, họ thường xuyên thành tâm thắp hương cầu may, đi xa về gần gặp nhiều may mắn, công việc làm ăn ngày càng khá giả, họ cảm nhận được sự linh thiêng và thầm biết ơn mảnh đất “địa linh” này, cho nên đã góp vốn giúp đỡ người dân nơi đây làm ăn buôn bán, thoát khỏi đói nghèo.

Theo thông lệ, cứ sau một năm buôn bán ngược xuôi trên sông nước nhằm ngày mùng 9 tháng giêng. Ông Hai Nồi Đất lại đi tạ lễ cuối năm. Đến một đêm, sau khi đi tạ lễ cuối năm về, khi đi ngủ, ông đã mơ một giấc mơ huyền bí, trong mơ ông thấy có một tiên nữ đẹp tuyệt trần, dung nhan tươi tắn, phúc hậu nói với ông rằng: "Ta là Tiên chúa Liễu Hạnh. Ngã 3 sông kia là nơi ta đã cùng 2 nàng tiên hạ giới, đã từng chứng kiến cảnh dân nghèo khổ, khó khăn đồng ruộng không có, chỉ có núi, đồi là bao la bạt ngàn, người bệnh tật thì tràn lan, chúng ta đã dày công chữa bệnh để cứu nhân, độ thế và cấp phúc, truyền dạy lại cho miền đất này nhiều thầy thuốc dân gian giỏi, để lại nhiều giống cây thuốc quý, giúp đỡ dân nghèo biết cải núi, cải đồi thành ruộng bậc thang và dẫn nước cấy lúa - nơi này nhà ngươi thường xuyên dừng chân tại đó vào giờ Ngọ trong mỗi chuyến qua lại, hãy làm gì đó để nhân dân không quên tu tâm, làm phúc, và duy trì nghề trồng lúa...".

Sau khi được Tiên Chúa báo mộng, ông cùng nhân dân Vĩnh Tuy và nhân dân trong vùng kêu gọi nhau góp công của, dựng lên một ngôi đền để tôn thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh với tên tự là: "Linh Từ Chúa Bà" - Dịch nghĩa: "Đền Chúa Bà linh thiêng". Tượng Thánh Mẫu được đặt trang trọng tại bàn thờ chính. Cứ thế năm tháng trôi qua, từ một am nhỏ linh thiêng dưới gốc cây Đa, nơi đây đã dần dần được nhân dân thành tâm công đức tôn tạo thành ngôi Đền khang trang, với các hạng mục công trình: Nghi môn; sân; bếp; Miếu lầu Cô Bé; Miếu lầu Cậu Bé; Miếu và đền chính. Điển hình là việc công đức của gia đình Ông Phùng Văn Kỷ (bà Nguyễn Thị Văn) là người dân buôn bán tại Vĩnh Tuy - quê ở xã Châu Dương, tổng Thuỷ Cam, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông nay thuộc Thành phố Hà Nội đã hiến số tiền 1 ngàn ngân (thời điểm năm 1947) công đức và xin được bán vào cửa đền hầu hạ đức Thánh Mẫu khi quy tiên đồng thời các văn bia được lập để ghi công đức.

Để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của nhân dân. Hằng năm, cứ đến ngày mồng 09 và mồng 10 tháng giêng âm lịch Đền Chúa Bà làm lễ mở cửa đền còn gọi là lễ Thượng nguyên có nội dung: dâng sao giải hạn cầu bình an cho nhân dân trong vùng và khách thập phương. Vào ngày này người dân từ khắp nơi từ miền xuôi lên miền ngược, nhất là những người làm nghề tiểu thương và nông nghiệp nô nức kéo nhau đi lễ Đền Chúa Bà để viếng Thánh Mẫu và cầu xin tài lộc, sức khỏe, bình an. Ngoài này mùng 9 tháng giêng, đền còn tổ chức các ngày lễ trong năm tại đền giống như những ngôi đền khác (tính theo âm lịch) vào các ngày 06/2 có lễ dâng Chúa Bà; ngày mùng 08/3 có lễ bái vọng Chúa Liễu Hạnh; ngày 10/3 có lễ dâng hương bái vọng Vua Hùng; ngày mùng 10/4 có lễ vào hè “Lễ nhập hạ”; ngày 25/5 có lễ cơm mới; ngày 24/6 có lễ ra hè hay “Lễ tán hạ” cầu thời tiết thuận hoà cho công việc thu hoạch mùa màng, đời sống ấm no; ngày 10/8 là lễ dâng hương tưởng niệm Đức Thánh Trần Hưng Đạo; ngày 10/12 có lễ tất niên với ý nghĩa kết thúc một năm lao động sản xuất để đón mừng năm mới với nhiều điều tốt lành.

 

Lễ hội Đền Chúa Bà năm này được tổ chức nhằm giữ gìn và phát huy, bảo tồn giá trị văn hóa lịch sử truyền thống, văn hóa tín ngưỡng thờ mẫu của dân tộc ta, phản ánh sự tồn tại của cư dân bản địa với cư dân từ khắp miền của Tổ quốc đến giao hòa sinh sống đã từ lâu đời nay và quá trình buôn bán, định cư, sự chịu thương, chịu khó, lòng nhân ái thể hiện bản sắc của dân tộc Việt Nam.


Tin khác